Lịch sử phát triển Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không tiền thân là Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn và Ứng phó khẩn nguy hàng không được thành lập ngày 01/6/2009 trực thuộc Trung tâm Hiệp đồng điều hành bay.
Để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không đáp ứng được các yêu cầu của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và với xu thế phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng trưởng và ổn định của Việt Nam nói chung và ngành hàng không dân dụng nói riêng, ngày 10/12/2012, Chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Ban hành Quyết định số 613/QĐ-HĐTV về việc thành lập Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không trực thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trên cơ sở nâng cấp, kiện toàn tổ chức hoạt động của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn và Ứng phó khẩn nguy hàng không.
Sau khi được thành lập, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Tổng công ty, để đảm bảo dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không (SAR) an toàn, thông suốt, ổn định và hiệu quả, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đã không ngừng hoàn thiện, nâng cấp hệ thống các trang thiết bị hiện có, tập trung đầy mạnh công tác đào tạo, huấn luyện cho lực lượng nhân viên tìm kiếm cứu nạn, rà soát và xây dựng các quy trình, tài liệu trong công tác chuyên môn, tham mưu, cho lãnh đạo Tổng công ty trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không, ký kết các văn bản phối hợp, hiệp đồng về công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không với các cơ quan, đơn vị liên quan.
Với tổ chức cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn 24/24 cùng với lực lượng nhân sự được đào tạo bài bản, hệ thống trang thiết bị được đầu tư nâng cấp, các thông tin, sự vụ có liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không được xử lý và phối hợp hiệp đồng kịp thời, bảo đảm dịch vụ tìm kiếm cứu nạn được thông suốt, đáp ứng được các yêu cầu của ICAO. Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đã có các thành tích đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ, đảm bảo về công tác công tác tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty qua các sự vụ chuyến bay MH370 của Malaysia Airline năm 2014; và sự vụ tàu bay SU30 MKIII và CASA212 của Bộ Quốc Phòng, Trung tâm đã cử lực lượng và trang thiết bị trực tiếp tham gia và đã hoàn thành nhiệm vụ trong công tác tìm kiếm hộp đen tàu bay.
Nhằm xây dựng một hệ thống bảo đảm dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn hàng không được thống nhất, chuyên nghiệp, xuyên suốt trong toàn quốc với chất lượng sản phẩm dịch vụ được nâng cao, đáp ứng các thách thức và yêu cầu ngày càng cao của trong nước và Quốc tế. Đề án xây dựng, kiện toàn Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty đã được được sự đồng ý của Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng không Việt Nam, ngày 23/03/2022, Hội đồng thành viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã ban hành Quyết định số 79/QĐ-HĐTV kiện toàn Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không và các cơ sở cung cấp dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn hàng không thuộc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.
Theo quyết định trên, ngày 11/5/2022, Tổng giám đốc Tổng công ty đã có Quyết định số 2634/QĐ-QLB ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng theo mô hình mới vào hoạt động từ ngày 01/06/2022 với các chức năng, nhiệm vụ chính:
- Tham mưu cho Lãnh đạo Tổng công ty về việc triển khai thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không; sẵn sàng ứng phó khẩn nguy và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống tàu bay lâm nguy, lâm nạn xảy ra trong vùng trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn của Việt Nam; công tác Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn, Phòng chống khủng bố và Phòng chống cháy nổ.
- Chủ trì xác định khu vực ưu tiên tìm kiếm; xây dựng, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam Phương án tìm kiếm cứu nạn; kế hoạch bay tìm kiếm cứu nạn tàu bay hàng không dân dụng lâm nguy, lâm nạn; chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc tham gia phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện. Trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn hiện trường theo phương án đã được phê duyệt.
- Chủ trì xây dựng các văn bản hiệp đồng, các phương án, phương thức, quy trình hoạt động liên quan đến công tác tìm kiếm cứu nạn và phòng chống thiên tai của Tổng công ty trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền; tổ chức phổ biến, triển khai và theo dõi, kiểm tra, tổng kết báo cáo kết quả thực hiện.
- Chủ trì tổ chức kiểm tra, giám sát công tác: Tìm kiếm cứu nạn hàng không; Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Phòng chống khủng bố; Phòng chống cháy nổ đối với các đơn vị trực thuộc Tổng công ty.
- Tổ chức lực lượng thường trực 24/24, tiếp nhận, phân tích, xử lý và báo cáo các thông tin liên quan đến tình huống tàu bay lâm nguy, lâm nạn; phối hợp, hiệp đồng với các Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn Hàng hải; Trung tâm khẩn nguy sân bay, các cơ quan, đơn vị, các địa phương liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không.
- Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc, trang thiết bị kỹ thuật và cơ sở vật chất để phục vụ Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn và Trung tâm Chỉ huy khẩn nguy Hàng không Quốc gia thực hiện tốt việc chỉ huy, điều hành kịp thời, hiệu quả các hoạt động tìm kiếm cứu nạn và ứng phó khẩn nguy hàng không khi có các tình huống xảy ra.
- Lập kế hoạch huấn luyện, kế hoạch diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện (theo phân cấp).
- Là cơ quan thường trực của: Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Tiểu ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố và Ban Chỉ huy Phòng chống cháy nổ của Tổng công ty.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác và các chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
Ngay sau khi được kiện toàn, hoạt động theo mô hình mới, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đã ổn định hoạt động về cơ cấu tổ chức với khối trực tiếp gồm Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn miền Bắc dảm và Trung tâm Hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn miền Nam. Khối tham mưu giúp việc gián tiếp 02 Phòng gồm: Phòng Hành chính - Tổng hợp và Phòng Nghiệp vụ. Khu vực trách nhiệm của 02 cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng không cụ thể như sau:
Khu vực trách nhiệm của Trung tâm Hiệp đồng TKCN miền Bắc (Trung tâm Phối hợp TKCN hàng không) là vùng cung cấp dịch vụ không lưu hiện hành của ACC Hà Nội), trừ các khu vực quân sự và khu vực trách nhiệm TKCN của các Cảng HKQT Nội Bài, Cảng HKQT Cát Bi, Cảng HK Điện Biên, Cảng HK Thọ Xuân, Cảng HK Vinh, Cảng HK Đồng Hới, Cảng HKQT Phú Bài, Cảng HKQT Đà Nẵng, Cảng HK Chu Lai và Cảng HKQT Vân Đồn.
Khu vực trách nhiệm của Trung tâm Hiệp đồng TKCN miền Nam (Trung tâm Phối hợp TKCN hàng không) là vùng cung cấp dịch vụ không lưu hiện hành của ACC Hồ Chí Minh (Phụ lục VII kèm theo Quyết định số 1088/QĐ-CHK), trừ các khu vực quân sự và khu vực trách nhiệm TKCN của các Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, Cảng HK Tuy Hòa, Cảng HKQT Cam Ranh, Cảng HK Buôn Ma Thuột, Cảng HK Liên Khương, Cảng HKQT Cần Thơ, Cảng HK Rạch Giá, Cảng HKQT Phú Quốc, Cảng HK Cà Mau, Cảng HK Côn Đảo, Cảng HK Phù Cát, Cảng HK Pleiku.
Với quyết tâm chính trị cao nhất và sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ Tổng công ty giao. Trung tâm đã tổ chức quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách khoa học, chặt chẽ, đúng nguyên tắc. Bên cạnh đó, Trung tâm luôn phát huy vai trò của một đơn vị cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không chuyên nghiệp, đáp ứng hiệu quả yêu cầu của người sử dụng đảm bảo chất lượng, chính xác và kịp thời.
Các cơ sở cung cấp dịch vụ Phối hợp tìm kiếm cứu nạn cung cấp dịch vụ cơ bản trên nền tảng đồng nhất, phát huy cao khả năng và tinh thần trách nhiệm. Chất lượng dịch vụ cung cấp được cải thiện rõ rệt và đã được cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao qua các đợt kiểm tra thanh sát.
Để đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả trong công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tỉnh thành địa phương cho tới các cơ quan đơn vị đầu mối liên quan khác, công tác diễn tập tìm kiếm cứu nạn hàng không được diễn tập tìm kiếm cứu nạn (SAREX) luôn được Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không thực hiện định kỳ hàng năm theo quy định. Đặc biệt là 02 cuộc diễn tập thực binh: Năm 2012 tại Hòa Lạc – Hà Nội và năm 2015 tại Bãi Lữ - Nghệ An có sự phối hợp toàn diện giữa các lực lượng TKCN của ngành hàng không – hàng hải và các lực lượng của quân đội và các bộ ban ngành địa phương.
Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ tìm kiếm cứu nạn của Tổng công ty, đảm bảo sự phối hợp hiệu đồng giữa Tổng công ty và các đơn vị trong và ngoài ngành, phối hợp với các tỉnh, thành, địa phương trong công tác tìm kiếm nạn hàng không, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không, với cương vị là thường trực Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của Tổng công ty đã tham mưu, xây dựng kế hoạch ký kết văn bản hiệp đồng phối hợp công tác đảm bảo công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không giữa Tổng công ty và các Ban chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS các tỉnh hành địa phương có các sân bay, văn bản hiệp đồng với các cơ quan đơn vị trong và ngoài ngành như: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, các sân bay, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam.
Trong thời gian tới, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không xác định tập trung mọi nguồn lực, tích cực xây dựng và thực hiện các giải pháp để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, đặc biệt tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động đề xuất đổi mới, đầu tư, hiện đại hóa công nghệ nhằm cung cấp dịch vụ Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không có chất lượng và hiệu quả, theo đúng tiêu chuẩn ICAO và các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, đáp ứng sự phát triển theo đúng theo kế hoạch, lộ trình đề ra, góp phần vào sự phát triển bền vững của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và ngành Giao thông vận tải.