26/08/2024
20 năm tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FiR Hồ Chí Minh: Những mốc son (Phần 3)
- Tiếp nhận quản lý, điều hành bay FIR Hồ chí Minh sau Hội nghị RAN – 3
Hội đồng ICAO, tại phiên họp thứ 9 kỳ họp thứ 140, ngày 24/11/1993, đã phê chuẩn báo cáo kết quả hội nghị RAN – 3 với nội dung "Việt Nam sẽ chính thức điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh sau một năm kể từ khi có phê chuẩn của Hội đồng ICAO. Đối với phần phía Bắc FIR Hồ Chí Minh, nhóm làm việc đặc biệt sau RAN - 3 tiếp tục nghiên cứu để sớm có phương án giải quyết trình Hội đồng ICAO".
Sau Hội nghị RAN - 3, lãnh đạo ngành tập trung chỉ đạo công tác chuẩn bị mọi mặt để chính thức tiếp nhận điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Đầu tư xây dựng nâng cấp hạ tầng cơ sở và chương trình FIR đã được ngành tích cực triển khai. Ngành đã nhập khẩu các thiết bị cho FIR Hồ Chí Minh và cho FIR Hà Nội với tổng số vốn đầu tư đạt 20,6 triệu đôla Mỹ và 8 tỷ đồng Việt Nam. Đầu tư mua sắm và lắp đặt mới hệ thống radar ở Tân Sơn Nhất, Sơn Trà (Đà Nẵng) và Vũng Chua (Quy Nhơn); tiến hành đàm phán và ký thoả thuận thư với các Trung tâm kiểm soát không lưu (ACC) kế cận trong việc phối hợp kiểm soát máy bay, các tình huống khẩn nguy, thông báo, sân bay dự bị...
Năm 1994, để tăng cường hơn nữa việc hiệp đồng không lưu phục vụ cho hoạt động bay của các quốc gia khu vực Đông Nam Á và xây dựng mối quan hệ hợp tác về công tác quản lý bay của các nước thành viên trong khu vực, Hàng không Việt Nam đã tham dự đầy đủ các hội nghị hiệp đồng không lưu khu vực Đông Nam Á do ICAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức (ở Philippin và ở Việt Nam). Chính nhờ những hoạt động tích cực trên đã góp phần đẩy nhanh tiến trình bàn giao quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam .
Tiểu ban Không vận Châu Á - Thái Bình Dương của ICAO gồm 10 nước họp tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21 - 24/9/1994, thực chất là cuộc tổng kiểm tra lần cuối của ICAO đối với khả năng đảm nhận nhiệm vụ của FIR Hồ Chí Minh. Đoàn chuyên gia đã kiểm tra rất kỹ lưỡng khả năng đảm nhận nhiệm vụ của FIR Hồ Chí Minh. Ông Moris E. Fridman - phụ trách Không vận của ICAO đã tuyên bố "FIR Hồ Chí Minh của các bạn đạt tiêu chuẩn loại một".
Ngày 27-10-1994, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam đã phát hành AIP Supplement số A12/94 công bố việc ACC HCM điều hành chính thức FIR Hồ Chí Minh.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế (7/12/1944-1/12/1994), Liên Hợp Quốc đã lấy ngày 7 tháng 12 là ngày Hàng không quốc tế. Hội đồng ICAO quyết định tổ chức trọng thể ngày Hàng không quốc tế lần thứ nhất (7/12/1994) ở tất cả các nước trên thế giới. Ngày 5/12 tại Việt Nam đã tiến hành tổ chức long trọng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ICAO và chứng kiến cho Việt Nam chính thức nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Phan Văn Khải, đại diện các bộ ngành Trung ương và Hà Nội cũng có mặt. Đại diện ICAO khu vực, ông Lait Shah và phu nhân đến dự, ngoài ra, ta còn có đại diện các nước, các đại sứ và đại diện Hàng không nước ngoài.
- Ý nghĩa lịch sử
Từ 0 giờ 01 (Giờ quốc tế) ngày 08.12.1994, Trung tâm kiểm soát không lưu (ACC) Hồ Chí Minh chính thức điều hành, kiểm soát trong phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh liên tục 24/24 giờ.
Hội nghị RAN - 3 diễn ra trong bối cảnh Mỹ còn cấm vận đối với Việt Nam, tình hình quốc tế phức tạp. Nhờ có chủ trương đúng đắn và kịp thời của các cấp lãnh đạo, chúng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các yếu tố, nhất là yếu tố ngoại giao, đã thu hút được sự chú ý và đồng tình của đa số nước dự Hội nghị. Tuy chưa đạt được ý muốn giành lại toàn bộ FIR Hồ Chí Minh, nhưng thắng lợi có ý nghĩa đặc biệt rất cơ bản là đã phá vỡ được âm mưu giữ nguyên trạng ba vùng trách nhiệm tạm thời kéo dài 18 năm, cũng như âm mưu đòi chia lại FIR Hồ Chí Minh mà phần lớn vùng FIR thuộc về phía đòi chia. Đồng thời, quốc tế đã phải thừa nhận sự đầu tư của Nhà nước Việt Nam và sự tiến bộ của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, công nhận khả năng của ta có thể đảm đương trách nhiệm cùng với cộng đồng hàng không quốc tế. Hơn thế nữa, thắng lợi này còn có ý nghĩa đặc biệt về chính trị và kinh tế đối với việc làm chủ FIR Hồ Chí Minh.
Như vậy, sau hơn 18 năm liên tục đấu tranh dẻo dai, bền bỉ, có sự chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ, của Cục Hàng không, ngành Quản lý bay đã có đường lối đúng, phương pháp đúng, biện pháp linh hoạt khéo léo, sáng tạo đã hoàn thành một phần sứ mệnh lịch sử là giành lại quyền kiểm soát phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Ngày 8/12/1994 đã đi vào lịch sử trong ngành Hàng không nói chung và của ngành Quản lý bay nói riêng. Đó là một mốc son cực kỳ quan trọng trên phương diện kinh tế, kỹ thuật, cả phương diện an ninh quốc phòng và chính trị xã hội.
(Hết)
Mạnh Tấn