Giới thiệu về Dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát của Tổng công ty
1. Dịch vụ thông tin hàng không
1.1. Thông tin lưu động hàng không
Thông tin lưu động hàng không hay còn gọi là thông tin đất đối không (Air/Ground Communication) là thông tin liên lạc giữa người lái và kiểm soát viên không lưu (KSVKL). Liên lạc này được thực hiện thông qua hệ thống liên lạc VHF (Very High Frequency) ở dải tần số 118 MHz – 137 MHz .
Để đảm bảo liện lạc thoại giữa KSVKL và người lái tại mỗi giai đoạn điều hành chuyến bay (khu vực sân bay (TWR, GCU) , khu vực tiếp cận và bay đường dài), các trạm VHF được tính toán lắp đặt phù hợp. T ại 22 cảng hàng không trên toàn quốc đều được lắp đặt trạm VHF để phục vụ cho điều hành bay tại khu vực sân bay; trạm VHF tại các sân bay có bộ phận kiểm soát mặt đất (GCU) như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất,..; trạm VHF tiếp cận phục vụ điều hành bay tiếp cận tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất,.. ; trạm VHF đường dài được lắp đặt theo dọc trục đường bay Bắc - Nam tại Mộc Châu, Cát Bi, Vinh, Sơn Trà, Chu Lai, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, HCM, Cà Mau, Trường Sa Lớn và Song Tử Tây để phục vụ điều hành bay đường dài. Mỗi trạm VHF đường dài có tầm phủ tối đa 250 NM, tương đương 450 km.
Với các hệ thống VHF hiện tại, toàn bộ vùng thông báo bay của Việt Nam đều được phủ sóng VHF, ngoài ra Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh trên Biển Đông còn được tăng cường liên lạc bằng sóng HF (High Frequency) và phương thức liên lạc dữ liệu giữa KSVKL và người lái (Controller Pilot Data Link Communication - CPDLC) từ 6/2011.
1.2. Thông tin cố định hàng không
Thông tin thoại trực tiếp không lưu (ATS/DS - Air Traffic Service/ Direct Speech) là thông tin trực thoại dùng cho KSVKL để trao đổi thông tin giữa các đơn vị không lưu trong nước và các quốc gia kế cận. Liên lạc này sử dụng các kênh thoại nóng (Hotline) trực tiếp qua mạng vệ tinh dùng riêng của ngành hàng không hoặc thuê kênh riêng của các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và quốc tế.
Mạng viễn thông cố định hàng không (Aeronautical Fixed Telecommunication Network - AFTN) là mạng thông tin truyền văn bản (text) giữa những đơn vị liên quan đến các hoạt động điều hành bay, sân bay, khai thác tàu bay và nhà chức trách Hàng không. Mạng viễn thông cố định hàng không (AFTN) có có các Trung tâm chuyển điện văn tự động AMSS (Automatic Message Switching System) đặt tại các khu vực miền Bắc (Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng), miền Nam (T.p Hồ Chí Minh). Ngoài ra, Tổng công ty đã triển khai hệ thống AMHS (Aeronautical Message Handling System) để dần thay thế các hệ thống AFTN theo yêu cầu của ICAO. Hệ thống do Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay phát triển..
2. Dịch vụ dẫn đường hàng không
Dịch vụ dẫn đường hàng không có các nhiệm vụ: Giúp tàu bay xác định chính xác vị trí trên các đường hàng không; hỗ trợ phi công thực hiện các phương thức bay trong cất và hạ cánh; và hỗ trợ tàu bay bay đúng đường bay và đến đúng đích đã định, không vi phạm các quy tắc không lưu hay uy hiếp an toàn cho người và tài sản trên tàu bay cũng như trên mặt đất. Để thực hiện các nhiệm vụ trên, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam hiện đang quản lý, khai thác các hệ thống, thiết bị dẫn đường mặt đất được phân bố chủ yếu tại các sân bay trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm các đ ài NDB (Non Directional Beacon - Đài vô hướng) đặt tại Mộc Châu, Nam Định và Long Khánh và các đài VOR/DME (Very High Frequency Omnidirectional radio range/ Distance Measuring Equipment - Đài dẫn đường đa hướng sóng cực ngắn/ Thiết bị đo cự ly bằng vô tuyến) đặt tại Điện Biên, Nội Bài, Vĩnh Phúc, Nam Hà, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Đà Nẵng, Phú Bài, Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Buôn Ma Thuột, Cam Ranh, Liên Khương, Phan Thiết, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Sơn, Rạch Giá, Tuy Hòa.
Hình ảnh về đài dẫn đường DVOR/DME
Theo Quyết định số 22/QĐ-BGTVT ngày 28/11/2019 của Bộ Giao thông vận tải về việc Phê duyệt điều chỉnh kế hoạch tổng thể phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, định hướng cho các hệ thống DVOR/DME đến năm 2030 là Chuyển tiếp từ dẫn đường bằng đài dẫn đường DVOR/DME sang sử dụng PBN (Performance Base Navigation - Dẫn đường theo tính năng của tàu bay) là chính, hệ thống DVOR/DME là dự phòng . Do vậy, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang từng bước thực hiện chuyển đổi và áp dụng dẫn đường PBN để phù hợp với kế hoạch tổng thể quốc gia cũng như xu hướng dẫn đường hàng không của thế giới.
3. Dịch vụ giám sát hàng không
Dịch vụ giám sát hàng không có vai trò cung cấp cho KSVKL có thể nhận dạng tàu bay, vị trí của các tàu bay trên màn hình giám sát tại vị trí làm việc của KSVKL. Dịch vụ giám sát không được thực hiện bởi các hệ thống radar giám sát, hệ thống giám sát tự động phụ thuộc - Quảng bá (ADS-B), dịch vụ giám sát tự động phụ thuộc-Hiệp đồng (ADS-C) và hệ thống giám sát đa điểm (MLAT). Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang khai thác các hệ thống giám sát sau đây:
+ Các hệ thống radar phục vụ điều hành bay đường dài và tiếp cận: gồm các hệ thống radar PSR/SSR có thiết bị radar giám sát sơ cấp (Primary Surveillance Radar) lắp đặt cùng thiết bị radar giám sát thứ cấp (Secondary Surveillance Radar) và các hệ thống chỉ bao gồm thiết bị radar giám sát thứ cấp SSR (Secondary Surveillance Radar);
+ Các hệ thống ADS-B: các hệ thống có cấu hình Tier-1 (tối thiểu 02 máy thu, 02 đường truyền dẫn độc lập) được lắp đặt trên toàn quốc (Điện Biên, Pha Đin, Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh, Đồng Hới, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Bà Quẹo, Cần Thơ, Cà Mau (2 trạm), Phú Quốc, Côn Sơn.
+ Dịch vụ ADS-C được sử dụng để phục vụ điều hành bay trên biển trong FIR Hồ Chí Minh.
+ Các hệ thống giám sát bề mặt sân bay bao gồm các hệ thống radar giám sát bề mặt sân bay (Surface Movement Radar-SMR) tại các cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng và hệ thống giám sát đa điểm (MLAT) tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.
Các hệ thống radar và ADS-B có tầm phủ bao trùm toàn bộ các vùng trời thông báo bay (FIR) Hà Nội và Hồ Chí Minh thuộc phạm vi trách nhiệm của Việt Nam. Ngoài ra, để tăng cường năng lực hiệp đồng-điều hành bay với các quốc gia kế cận, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đang chia sẻ dữ liệu giám sát ADS-B của trạm ADS-B Côn Sơn và Cà Mau cho Cục Hàng không dân dụng Singapore.