26/08/2024
20 năm tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh: Những mốc son (Phần 2)
Hội nghị RAN - 3, từ ngày 19/4 đến ngày 7/5/1993 tại Băng Cốc, có 40 đoàn đại biểu đại diện cho 40 quốc gia, vùng lãnh thổ và 6 tổ chức quốc tế tham dự, tổng cộng số đại biểu có mặt là 366 người. Đoàn Việt Nam do đồng chí Nguyễn Hồng Nhị, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam làm Trưởng đoàn, đồng chí Đào Mạnh Nhương, Cục phó làm Phó đoàn và đồng chí Lưu Văn Lợi, một cán bộ có nhiều kinh nghiệm ngoại giao ở Ban Biên giới của Chính phủ làm cố vấn cho đoàn. Ngoài ra, còn có các thành viên của đoàn đại diện các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng và Cục Hàng không dân dụng Việt Nam và đồng chí Nguyễn Đình Công - Trưởng phòng Không lưu, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam.
Một sự kiện quan trọng có ý nghĩa chính trị, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho ngành hàng không dân dụng Việt Nam, đó là việc đấu tranh để xoá bỏ kế hoạch tạm thời quản lý FIR Hồ Chí Minh (FIR Sài Gòn cũ) của ICAO để trao lại quyền quản lý và điều hành cho Việt Nam tại Hội nghị Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ ba (RAN/3)
Trong tuần lễ thứ nhất, Hội nghị diễn biến rất căng thẳng và phức tạp, tập trung chủ yếu vào vấn đề "Không phận trên vùng Biển Đông" (theo cách gọi của ICAO là vùng biển Nam Trung Hoa). Tại Uỷ ban ATS của Hội nghị, các nhân vật lãnh đạo của ICAO trung ương (Montreal), ICAO khu vực và trưởng đoàn của các nước đều có mặt dự ở Uỷ ban ATS này. Sau những ngày thảo luận đã bộc lộ ra các xu hướng: "Duy trì kế hoạch tạm thời như hiện tại", "Hoạch định lại ranh giới FIR Hồ Chí Minh", "Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh". Trong đó, "Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh" là xu hướng quan trọng nhất. Nhưng chưa đến 10 đoàn, kể cả đoàn Việt Nam đồng ý với xu hướng này. Phần lớn các đoàn hoặc trung lập, hoặc chưa bộc lộ quan điểm của mình, từ đó có thể dự kiến số đông sẽ bỏ phiếu trắng. Nếu để tình hình này xảy ra thì vùng trách nhiệm tạm thời có thể tiếp tục kéo dài.
Hội nghị Uỷ ban ATS tạm thời gác vấn đề FIR Hồ Chí Minh lại chưa thảo luận tiếp. Đoàn Việt Nam nhân cơ hội đó huy động toàn đoàn tiến hành vận động sau hội trường. Đoàn Việt Nam tranh thủ gặp một số trưởng đoàn các nước, gặp Chủ tịch hội nghị để thuyết phục họ nên đứng về phía tán thành "Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh".
Bước vào tuần lễ thứ hai của Hội nghị, tại Ủy ban ATS, đoàn Việt Nam đã mạnh mẽ phản bác lại những lời lẽ phi lý của những ý kiến chống lại việc " Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh". Số nước ủng hộ quan điểm của đoàn Việt Nam có tăng lên, nhưng vẫn chưa chiếm được đa số. Song gần cuối tuần thứ hai, Hội nghị đã thông qua được một kết luận có thuận lợi ít nhiều cho ta. Nhân đã có ít nhiều thuận lợi tại nhóm làm việc này, ta tranh thủ vận động và kiên quyết đòi huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh. Qua tình hình diễn biến sau các phiên họp, ta dự kiến các tình huống và xác định: "Khó có khả năng đạt được một thắng lợi toàn vẹn giành lại FIR Hồ Chí Minh. Nếu ta cứ bám vào một phương án thì có nguy cơ phải tiếp tục chấp nhận kế hoạch tạm thời". Cả đoàn rất lo lắng về nguy cơ này và liên tục điện về nhà xin ý kiến.
Bước sang tuần thứ ba, tuần cuối của Hội nghị, đoàn Việt Nam tạm gác lại phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Mặc dù đại diện của những nước không muốn giải quyết FIR Hồ Chí Minh giao lại cho Việt Nam rất ngoan cố, nhưng đoàn Việt Nam vừa kiên trì, mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường, nguyên tắc. Kết quả đã đạt được một thoả thuận đa số nước đồng ý chuyển giao phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam. Phần phía Bắc FIR Hồ Chí Minh cũng đã thông qua được một thoả thuận: Thành lập Nhóm làm việc đặc biệt gồm 13 nước và 2 tổ chức quốc tế tiếp tục làm việc sau Hội nghị RAN - 3 để sớm có kết luận trình cho Hội đồng ICAO họp vào cuối năm 1993.
(Hết phần 2)
Hoàng Mạnh Tấn