13/09/2024
Đoàn công tác VATM thăm và làm việc về công tác tìm kiếm cứu nạn tại Singapore
Từ ngày 01-02/8/2024, đoàn công tác của Tổng công ty Quản lý Việt Nam đã thăm và làm việc với Cục Hàng không dân dụng Singapore về công tác tìm kiếm cứu nạn tại Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Singapore.
Đoàn công tác của Tổng công ty Quản lý Việt Nam (VATM), do ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không - làm Trưởng đoàn đã sang tham quan, học hỏi kinh nghiệm và làm việc với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Singapore (SRCC) thuộc Cục Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) đặt tại Trung tâm Kiểm soát không lưu Singapore (SATCC). Ngoài đại diện Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không, cùng tham gia đoàn công tác có đại diện của Trung tâm Đào tạo - Huấn luyện nghiệp vụ Quản lý bay; Ban Kế hoạch - Đầu tư và Ban Tài chính.
Về phía CAAS, tham dự làm việc có ông Vincent Hwa - Giám đốc Không lưu, ông Tai Kit - Phụ trách SRCC, ông Muhammad Hafidz bin Ja’afar - chuyên gia cao cấp phụ trách về Tìm kiếm cứu nạn/Kế hoạch ứng phó khẩn nguy, Ông Subash S - Phó giám đốc về đào tạo quốc tế và một số nhân sự liên quan khác.
Mở đầu chương trình làm việc, ông Vincent Hwa cho biết, CAAS chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn (SAR) trong Khu vực tìm kiếm và cứu nạn Singapore. Singapore, cũng như các quốc gia khác, mong muốn không phải triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên thực tế. Tuy nhiên, khi có tình huống xảy ra; lực lượng, trang thiết bị, kịch bản triển khai tìm kiếm, cứu nạn phải trong tình trạng sẵn sàng tối đa. Do đó, SRCC thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận tìm kiếm và cứu nạn hàng năm để nâng cao trạng thái sẵn sàng và tăng cường khả năng quản lý khủng hoảng.
Ông Tai Kit - Phụ trách SRCC - chia sẻ, tuy CAAS chịu trách nhiệm về vùng tìm kiếm, cứu nạn không quá lớn như các quốc gia khác nhưng lại có vùng biển rộng; yêu cầu sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng với nhiều cơ quan, đơn vị trong nước như Bộ Quốc phòng Singapore, Cơ quan Hàng hải và Cảng vụ Singapore, Cơ quan Khí tượng Singapore, Bộ Y tế, Lực lượng Cảnh sát Singapore, Lực lượng Phòng vệ Dân sự Singapore, Tập đoàn Sân bay Changi và các cơ quan chính phủ có liên quan khác.
Ngoài ra, Singapore đã ký kết Thỏa thuận SAR với Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, RCC Thái Bình Dương của Không quân Hoa Kỳ … nhằm hỗ trợ lẫn nhau khi tiến hành các hoạt động SAR.
Ngoài một số nhân sự SAR làm việc chuyên trách tại SRCC, phần lớn nguồn nhân lực SAR (khoảng 100 người) của CAAS kiêm nhiệm nhiệm vụ hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn (SMC - SAR Mission Coordinators). Đây là các kiểm soát viên không lưu (KSVKL) kiêm nghiệm, có cả năng định ATC và năng định SAR, được phân bổ làm việc tại 04 cơ sở khác nhau, do 08 chuyên gia về hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn phụ trách.
Để trở thành SMC, các KSVKL được đào tạo về nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không trong 03 tuần tại Học viên hàng không Singapore (SAA). Sau đó, họ quay về cơ sở điều hành bay, vừa tiếp tục thực hiện nhiệm vụ KSVKL, vừa tham gia đào tạo SAR tại vị trí làm việc. Nếu hoàn thành tất cả các kỳ sát hạch theo quy định, các KSVKL này sẽ được công nhận là SMC. Khi có các tình huống SAR, lực lượng này sẽ vẫn thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở và chỉ được triệu tập làm việc tập trung tại SRCC khi hoạt động SAR ở giai đoạn Khẩn nguy (Distress phase).
Ông Muhammad Hafidz bin Ja’afar cũng chia sẻ thêm, với mô hình tổ chức và phân công thực hiện nhiệm vụ SAR của CAAS, SMC được tham gia nhiều hoạt động diễn tập SAR (Search and Rescue Exercise - SAREX) hàng năm. Ngoài các đợt diễn tập phối hợp với các quốc gia lân cận là Malaysia và Indonesia; SMC cũng được tham gia các đợt diễn tập với các cơ quan, đơn vị trong nước, các cuộc diễn tập nhỏ (Mini SAREX), diễn tập theo mô hình Table top nội bộ CAAS.
SRCC bày tỏ mong muốn mời cơ quan tìm kiếm cứu nạn của VATM tham gia các đợt diễn tập của CAAS, trước mắt với tư cách quan sát viên, sau đó sẽ tham gia trực tiếp (Physical exercises) cũng như mong muốn tham gia các đợt diễn tập của hàng không Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.
SRCC được trang bị cơ sở vật chất, hệ thống thiết bị hiện đại với diện tích tổng thể khoảng 300m2 gồm Phòng chỉ huy, Phòng họp và Phòng thiết bị.
SRCC cũng được trang bị Hệ thống phần mềm hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn hàng không; sử dụng dữ liệu thời gian thực (khí tượng, hải lưu) từ các nguồn khác nhau; có chức năng thể hiện bản đồ về khu vực trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn; tự động tính toán vị trí điểm rơi, độ trôi dạt trên biển và khu vực tìm kiếm cứu nạn. Hệ thống phần mềm cũng có chức năng lập kế hoạch và báo cáo về tìm kiếm cứu nạn trên khu vực đã được tính toán chỉ bằng một thao tác.
Ngoài ra, các hệ thống thiết bị khác như Hệ thống điện thoại và HF (có dự phòng) tới các đầu mối liên quan; Hệ thống màn hình theo dõi: Đầu cuối Radar ATS, màn hình thời tiết, màn hình hiển thị thông tin quốc tế, quốc nội; Hệ thống AMHS/AFTN; khu vực tra cứu bản đồ giấy và Hệ thống in ấn bản đồ trực tiếp bằng máy in màu khổ lớn cũng được trang bị đầy đủ, đồng bộ.
Trong chuyến thăm, đoàn công tác của VATM cũng trao đổi với ông Subash S, Phó giám đốc về đào tạo quốc tế của Học viện hàng không Singapore (SAA). Ngoài việc đào tạo nội bộ; SAA có thể tổ chức và cung cấp khóa đào tạo về Hoạt động Tìm kiếm và Cứu nạn Hàng không (Aeronautical Search and Rescue Operations) trong 03 tuần đối với nhân sự đã có nền tảng KSVKL và 07 tuần đối với các đối tượng còn lại.
Bên cạnh đó, khóa Quản lý tìm kiếm cứu nạn (Search and Rescue Administrator) với thời lượng 02 tuần nhằm cung cấp và trang bị cho học viên các năng lực để phát triển, tổ chức, quản lý và thực hiện SAR của SAA cũng thường xuyên được các quốc gia, tổ chức cử người theo học.
Thông tin các khóa đào tạo cho cán bộ, nhân viên SAR do SAA chia sẻ rất hữu ích cho VATM trong việc lập kế hoạch đào tạo lâu dài trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực SAR.
Chuyến thăm và làm việc tại CAAS góp phần thúc đẩy sự gắn kết, hợp tác chặt chẽ giữa VATM và CAAS trong công tác phối hợp tìm kiếm cứu nạn đồng thời giúp cho việc định hướng chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không của VATM trong những năm tới thuận lợi và phù hợp hơn.
Đoàn công tác