26/08/2024
Gặp người Chỉ huy trưởng của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam trong những năm đầu thành lập
Ngày 20/4/2018, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tròn 25 năm thành lập. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng công ty luôn hướng đến mục tiêu cao nhất là “Vì bình yên bầu trời và an toàn cho mỗi chuyến bay”. Hai mươi nhăm năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty đã không ngừng cố gắng phấn đấu, xây dựng và đưa Quản lý bay Việt Nam ngày càng lớn mạnh, khẳng định vị trí là một trong các quốc gia có ngành không lưu hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ghi nhận những thành tích đó, năm 2000, Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Trong những ngày này, Tổng công ty có nhiều hoạt động kỷ niệm và tri ân các thế hệ cán bộ, công nhân viên có nhiều đóng góp cho ngành Quản lý bay Việt Nam. Trong đó, người “Chỉ huy trưởng” đã có nhiều đóng góp to lớn đưa ngành Quản lý bay hội nhập với không vận quốc tế, đó chính là ông Trần Xuân Mùi - nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ngày nay) từ năm 1989-2003. Năm 2000, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Anh hùng lao động Trần Xuân Mùi phát biểu tại buổi gặp mặt truyền thống thường niên
của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam
Truyền thống gia đình và những năm tháng...
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình bần nông giàu truyền thống cách mạng tại tỉnh Nam Định. Đến tuổi trưởng thành, ông tham gia vào đội ngũ công nhân tại nhà máy xe lửa Gia Lâm - Hà Nội. Năm 1960, ông trúng tuyển khóa phi công thể thao. Năm 1966, ông chuyển loại sang máy bay quân sự và vận tải quân sự của Đoàn bay 919 (vừa phục vụ quân sự vừa chở khách). Sau giải phóng miền Nam, ông vào tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất và lái các máy bay chở khách DC-4 và DC-6. Năm 1978, theo tiếng gọi của đất nước, ông tham gia vào chiến dịch đổ bộ quân tại Campuchia và tiếp tục có mặt tại mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông tiếp tục chuyển loại sang máy bay TU-134 và từng nhiều năm giữ vị trí đội trưởng đội bay. Bản thân không những là người lái giỏi có kinh nghiệm ông còn đảm đương tốt các vị trí quản lý như: Đoàn phó - Tham mưu trưởng Đoàn bay 919, Vụ trưởng Vụ Quản lý bay, Giám đốc công ty Quản lý bay, Tổng Giám đốc Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam. Ở bất kỳ cương vị nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và quân đội tin tưởng giao cho.
Gắn bó với ngành Quản lý bay Việt Nam trong những năm đầu thành lập
Ngày 11/2/1976, Hội đồng Chính phủ ra nghị định 28-CP thành lập Tổng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Ngành Hàng không chính thức tách khỏi Quân chủng Phòng không - Không quân (chuyển ngành tại tại chỗ) đồng thời phải thực hiện 2 nhiệm vụ là Vận tải quân sự và Hàng không dân dụng. Cục Quản lý bay ra đời và nằm trong cơ cấu tổ chức của Tổng cục Hàng không. Năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 112-CP quy định chức năng, nhiệm vụ của Tổng Cục Hàng không. Tổng Cục Hàng không lúc này trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng tách khỏi sự quản lý của Bộ Quốc phòng. Vụ Quản lý bay được thành lập và là cơ quan thuộc Tổng cục. Ông nhận nhiệm làm Vụ trưởng Vụ Quản lý bay. Năm 1990-1993, ông tiếp tục đảm nhận vị trí Giám đốc Công ty Quản lý bay trên cơ sở kiện toàn Vụ Quản lý bay theo hướng đổi mới thành doanh nghiệp có thu. Từ đây, ông tiếp tục đưa “con thuyền Quản lý bay” từng bước ổn định cơ cấu, đưa ngành Quản lý bay hoạt động theo cơ chế mới, điều hành các chuyến bay an toàn theo chỉ tiêu kế hoạch được giao, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là tham gia vào việc hoàn thiện chương trình khôi phục quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho sự phát triển đi lên cũng như khẳng định vị trí và thương hiệu Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam ngày nay.
Mạnh dạn, sáng tạo dám nghĩ dám làm, sát cánh cùng các đồng sự đưa ngành Quản lý bay Việt Nam hội nhập quốc tế
Trong những năm đầu thập kỷ 90, nền kinh tế đất nước gặp vô vàn khó khăn. Nhiệm vụ của Công ty Quản lý bay là điều hành mọi chuyến bay an toàn theo kế hoạch, tiếp tục nhiệm vụ đấu tranh giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. (vùng FIR lúc đó đang được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) tạm thời giao cho 3 quốc gia lân cận là Băng Cốc, Singapore, Hồng Công nắm giữ từ năm 1975). Ông - với vị trí là “Chỉ huy trưởng” của con tàu mang tên “ Quản lý bay dân dụng Việt Nam” sẵn sàng rẽ sóng ra khơi nhận nhiệm vụ trong điều kiện “sóng to gió lớn”. Ông đã cùng với tập thể Công ty Quản lý bay mạnh dạn đề xuất với Tổng Cục Hàng không đầu tư 5 trạm radar giám sát hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không ủng hộ Việt Nam tham dự Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RAN-3) và ủng hộ Việt Nam trên diễn đàn Hội nghị này. Ngày 12/3/1993 Công ty Quản lý bay đã ký Hợp đồng mua 5 trạm radar của hãng Thomsơn - CSF của Cộng hòa Pháp. Trước khi ký hợp đồng, ông yêu cầu hãng Thomsơn - CSF của Cộng hòa Pháp thực hiện 2 nội dung: Thứ nhất: Mời Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam tham dự. Thứ hai: Mời Tổng Cục trưởng Hàng không Pháp tham dự và phát biểu tại Hội nghị với nội dung: “Việt Nam đã mua 5 tổ hợp radar giám sát hàng không hiện đại nhất thế giới để Quản lý vùng thông báo bay Hồ Chí Minh”. Những tác động đó nhằm mục đích tuyên truyền cho sự đầu tư của Nhà nước ta cũng như tạo dư luận quốc tế có đầy đủ thông tin về lĩnh vực không vận của Việt Nam. Kết quả Hội nghị RAN-3 đã nhất trí và ra Nghị quyết trình Hội đồng ICAO phê chuẩn “Việt Nam sẽ chính thức tiếp nhận và điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh vào ngày 8/12/1994”.
Sau Hội nghị RAN -3, Trung tâm Quản lý bay được Cục Hàng không giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các hạng mục công trình kỹ thuật trọng điểm phục vụ công tác tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Ông chỉ đạo việc nghiên cứu vị trí và quá trình lắp đặt để đưa các trạm radar đường dài lên các độ cao trên núi Vũng Chua - Quy Nhơn, Sơn Trà - Đà Nẵng. Các trạm radar sau khi hoàn thành đã tăng công suất lên hàng trăm cây số. Trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn vì các thiết bị nặng hàng trăm tấn, vị trí vận chuyển từ cảng biển lên núi cao dài 1km, vừa vận chuyển vừa phải làm đường đi. Thêm vào đó, thời gian thi công gấp rút, vừa đảm bảo công tác điều hành bay vừa phải chuẩn bị điều hành theo phương án mới, đảm bảo tuyệt đối an toàn với mục tiêu là đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết của Hội nghị RAN-3 và tiêu chí của ICAO đặt ra. Song song với công tác này, ông quyết định đưa đội ngũ kiểm soát viên không lưu của Việt Nam sang huấn luyện tại chính Trung tâm Điều hành bay Băng Cốc - Thái Lan để chứng tỏ năng lực của Kiểm soát viên không lưu Việt Nam với nước bạn. Ông còn là trưởng đoàn đại diện cho Cục Hàng không Việt Nam tham gia Hội nghị “Phối hợp về kiểm soát không lưu trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh” do ICAO khu vực tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ 21-23/9/1994. Đây là Hội nghị quan trọng để xem xét lần cuối các vấn đề kỹ thuật và khai thác liên quan và quyết định cho Việt Nam chính thức tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Bằng năng lực và công tác chuẩn bị đầy đủ của Trung tâm Quản lý bay, Hội nghị đã kết luận; “Việt Nam có đầy đủ tiêu chuẩn và khả năng để tiếp nhận quản lý điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh”.
Hội nghị RAN-3 với kết quả là Việt Nam đã giành lại được quyền điều hành phần phía nam FIR Hồ Chí Minh và Trung tâm Quản lý bay Việt Nam đã chính thức tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh vào 0h ngày 8/12/1994. Thành công của sự kiện lịch sử này mang đậm dấu ấn cá nhân ông. Dưới sự chỉ huy nhạy bén của ông, các công tác chuẩn bị mọi mặt trước và sau hội nghị đã được hoàn tất chu đáo: Các dự án của Trung tâm tại đồng bằng và miền núi mặc dù phải thi công trong thời gian ngắn nhưng đều đảm bảo chất lượng và đạt hiệu quả cao, được bạn bè quốc tế ghi nhận; Các đề xuất đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật theo hướng hiện đại hóa và tự động hóa dựa trên nguyên tắc khoa học “Đồng bộ thiết bị thu phát ở mặt đất với thiết bị đã được lắp đặt trên máy bay của các hãng hàng không trong nước và quốc tế” và “Đường bay mở đến đâu thì phủ sóng kỹ thuật đến đấy” đã được tập thể Trung tâm và Lãnh đạo ngành Hàng không hết sức ủng hộ.
Ông Trần Xuân Mùi - Trưởng đoàn đại diện cho Cục Hàng không Việt Nam tham dự Hội nghị “Phối hợp về kiểm soát không lưu trên khu vực biển Đông” do ICAO khu vực tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 21/9-23/9/1993
Trong những năm ông là chỉ huy ngành Quản lý bay: từ một “con tàu” của chế độ bao cấp, trang bị thiết bị thô sơ, nhỏ lẻ đã “lướt sóng” theo hướng hiện đại hóa, tự động hóa; từ tổ chức lực lượng, trang thiết bị phân tán đi đến tập trung; từ phương thức điều hành bay cổ điển đi lên hiện đại “Nói - Nghe - Nhìn” đồng bộ so với những tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của ICAO. Ông cho rằng: Nếu không đầu tư radar giám sát điều hành bay bằng phương pháp “Nói - Nghe - Nhìn” thì không thể nâng trình độ ngang tầm các nước khu vực. Đó là kinh nghiệm được đúc kết sau nhiều năm kinh nghiệm là phi công của ông, là hướng đi đúng và sự đoàn kết đồng lòng, quyết tâm cao của cả tập thể. Những đóng góp của ông đã góp phần đưa Trung tâm Quản lý bay (nay là Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam) bước vào giai đoạn đổi mới toàn diện trên con đường hiện đại hóa, tự động hóa và hội nhập với không vận quốc tế.
Người tiên phong mở đầu của Quản lý bay Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ Tìm kiếm cứu nạn Hàng không.
Năm 1994, lần đầu tiên Trung tâm Quản lý bay Việt Nam tổ chức buổi diễn tập tìm kiếm cứu nạn Hàng không trên biển bao gồm với các lực lượng tham gia gồm: Hàng không, hàng hải, không quân, hải quân, bộ đội biên phòng và các lực lượng địa phương. Ông được giao nhiệm vụ làm chỉ huy trưởng trong đợt diễn tập đó. Kết quả của đợt diễn tập đã đạt mục tiêu đề ra và đảm bảo tuyệt đối an toàn góp phần nâng cao trình độ phối hợp các lực lượng cứu nạn, khẳng định năng lực tìm kiếm cứu nạn của Hàng không Việt Nam trong khu vực cũng như ICAO về chất lượng cung cấp các dịch vụ điều hành bay. Ông kể: Cũng trong năm 1994, xảy ra sự cố tai nạn hàng không khi một máy bay trực thăng của công ty VASCO chở khách quốc tế từ sân bay Gia Lâm đi Điện Biên Phủ. Máy bay đột ngột mất tín hiệu, không liên lạc được với Trung tâm kiểm soát đường dài. Cục Hàng không đã tin tưởng giao nhiệm vụ cho ông dẫn đầu lực lượng tìm kiếm. Bằng kinh nghiệm của mình, ông đã chỉ huy các mũi tìm kiếm từ Hòa Bình về Điện Biên và khoanh vùng khu vực máy bay lâm nạn trong điều kiện địa hình hiểm trở. Trong lần đó, lực lượng tìm kiếm đã đưa các nạn nhân về Hà Nội trong thời gian ngắn nhất, được dư luận trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Những đóng góp của ông trong sự nghiệp không lưu đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Ông cười hiền nói thành tích của ông cũng là thành tích của cả tập thể và những đồng sự có trách nhiệm luôn sát cánh bên ông, là công lao gây dựng của những thế hệ tiền bối ngành Quản lý bay mang trong mình khí chất bộ đội Cụ Hồ.
Ông Trần Xuân Mùi tham dự sự kiện chuyển đổi phương thức bay mới tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài
Sau 15 năm nghỉ hưu, ông vẫn giữ được phong thái từ tốn, giọng nói hào sảng cùng trí nhớ minh mẫn. Ông nói: “Bác có được sức khỏe bây giờ là nhờ những năm tháng rèn luyện khi còn là phi công”. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, ông vẫn tham gia các buổi nói chuyện về chuyên ngành không lưu và lịch sử Hàng không tại các cơ quan, đơn vị. Ông vẫn dõi theo từng bước đi lên của đơn vị và sẵn sàng đóng góp những kinh nghiệm quý báu cho các đồng sự kế nhiệm vì sự phát triển lâu dài của Tổng Công ty.
Năm 2017 khép lại với nhiều thành tựu nổi bật của Tổng công ty: bầu trời Tổ quốc được bảo vệ bình yên, điều hành chuyến bay thứ 800.000 tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và rất nhiều thành tích tự hào khác. Gặp Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Trần Xuân Mùi tại buổi tri ân cán bộ công, nhân viên nghỉ hưu đã thành truyền thống hàng năm của Tổng công ty dưới cái lạnh của những ngày đông. Cái bắt tay của ông thật chặt và ấm áp như xua đi cái lạnh, tôi cảm nhận được một niềm tin mãnh liệt nơi ông gửi vào thế hệ tiếp nối của ngành Quản lý bay Việt Nam. Với những thành tựu đạt được, ông có thể tự hào về “con tàu” mang tên “Quản lý bay Việt Nam” mà ông đã từng là “thuyền trưởng” đang tiếp tục “lướt sóng” vươn ra biển lớn, giữ vững vị trí là nhà cung cấp dịch vụ không lưu có chất lượng ổn định, tiến bộ vượt bậc và trở thành một mắt xích điều hành bay quan trọng hàng đầu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Ngọc Trinh