Lịch sử hình thành và phát triển của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (Phần I)
Ngày 15 tháng 01 năm 1956 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 666-TTg thành lập Cục Hàng không dân dụng Việt Nam. Trải qua 60 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành Hàng không dân dụng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, từng bước hội nhập với cộng đồng Hàng không dân dụng thế giới và có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Quản lý bay là một trong ba bộ phận cơ bản cơ bản cấu thành nên ngành của Hàng không dân dụng Việt Nam. Đó là: Vận tải Hàng không (chuyên chở khách và hàng hóa); Cảng hàng không sân bay (đảm bảo hạ tầng khu bay và khu vực làm thủ tục hành khách, hàng hóa trước và sau chuyến bay); Quản lý bay (bảo đảm các dịch vụ cho các chuyến bay thực hiện an toàn hiệu quả). Với mục tiêu kinh doanh “An toàn - Điều hòa - Hiệu quả”, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã có những thành tích to lớn góp phần vào sự nghiệp chung của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
PHẦN I:
NHỮNG HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ ĐIỀU HÀNH BAY TRONG THỜI KỲ BẢO VỆ, XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở MIỀN BẮC VÀ ĐẤU TRANH GIẢI PHÓNG MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (1954 - 1975)
Ngày 21/7/1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương kết thúc với bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Cuộc kháng chiến trường kỳ của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã thắng lợi vẻ vang. Ngày 10/10/1954, cùng với việc tiếp quản thủ đô Hà Nội chúng ta đã tổ chức tốt việc tiếp quản sân bay Gia Lâm, tiếp nhận các cơ sở trang thiết bị kỹ thuật hàng không tại sân bay, bảo vệ giữ gìn các tài sản hiện có đồng thời nghiên cứu nắm tình hình chuẩn bị tiến hành sửa chữa, khôi phục duy trì các hoạt động phục vụ bay khi ta tiếp quản sân bay. Ngày 31/12/1954, tại sân bay Gia Lâm, các nghi thức tiếp quản, bàn giao được tiến hành. Đúng 0 giờ ngày 01/01/1955, từ sân bay Gia Lâm, một bức điện đã phát lên không trung báo cho toàn thế giới được biết “Kể từ 0 giờ ngày 01/01/1955 theo giờ Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sân bay Gia Lâm không còn nằm trong khu quản chế của Đông Dương. Tất cả các máy bay muốn vào ra miền Bắc Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở ra đều phải xin phép cơ quan điều phái của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội”. Bức điện lịch sử đầu tiên là bản thông điệp khẳng định quyền làm chủ bầu trời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đánh dấu sự ra đời của Cơ quan Điều phái - tiền thân của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam ngày nay. Một ngày sau khi tiếp quản, trưa ngày 02/01/1955, đồng chí Nguyễn Đức Việt - một hàng binh người Đức đã theo ta trong những ngày đầu kháng chiến ở Trung Bộ đã trực tiếp điều hành chỉ huy chiếc máy bay B-307 của Hàng không Pháp bay từ sân bay Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm trong niềm vui, phấn khởi và tự tin của toàn đơn vị. Sự kiện này là mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của Hàng không dân dụng Việt Nam nói chung và Quản lý bay nói riêng.
Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đài chỉ huy cất hạ cánh tại sân bay Gia Lâm sau ngày tiếp quản
Khôi phục xong sân bay Gia Lâm và tổ chức công tác chỉ huy bay lập thành tích chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh về Thủ đô (1/1/1955)
Từ năm 1956 đến năm 1958, cơ quan bảo đảm bay đã tham mưu cho Cục Hàng không dân dụng Việt Nam phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và chuyên gia các ngành hữu quan của Trung Quốc làm thủ tục, cấp phép bay cho gần 100 chuyến bay chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia các nước bạn bè đến thăm Việt Nam và bảo đảm chỉ huy điều hành bay an toàn cho 3.735 chuyến.
Ngày 01/5/1959, Trung đoàn Không quân vận tải 919 - Đơn vị bay Vận tải quân sự - Hàng không dân dụng đầu tiên được thành lập. Sau ngày thành lập, Ban Tham mưu của Trung đoàn đã phối hợp với cơ quan bảo đảm bay các cấp đẩy mạnh công tác huấn luyện, tích cực chuẩn bị lực lượng và trang bị kỹ thuật bổ sung cho các sân bay, đài trạm; lập kế hoạch khảo sát, nghiên cứu các đường bay, điểm đi đến, các điểm thả dù, thả hàng; tham gia rà soát, củng cố, bổ sung hoàn thiện các quy tắc bay, các điều kiện bay, quy chế các sân bay, công tác thông báo, hiệp đồng với các cấp, đặc biệt là với bộ đội Phòng không.
Trong những năm 1959 - 1964, cơ quan bảo đảm bay đã tham gia phục vụ chỉ huy điều hành các hoạt động bay dân dụng và quân sự gồm: Bay chở khách trên các đường bay trong nước, phục vụ phun thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa, bay báo bão cho ngư dân khu IV, bay làm mưa nhân tạo chống hạn hán… vận chuyển thả hàng phục vụ các đơn vị tham gia mở đường Trường Sơn tại Thung lũng Vít Thu Lu - Quảng Bình tháng 9/1959, tiễu trừ thổ phỉ ở vùng biên giới Tây Bắc cuối 1959 và tham gia làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào. Đặc biệt trong thời gian này, cùng với Trung đoàn 919, cơ quan bảo đảm bay đã phục vụ các chuyến bay chuyên cơ đưa Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác trong và ngoài nước tuyệt đối an toàn, điều hành các chuyến bay chở Ủy ban Giám sát Hiệp định Giơnevơ đi lại trên miền Bắc.
Đài chỉ huy sân bay Vinh phục vụ chuyến bay chuyên cơ đưa Bác Hồ về thăm Nghệ An mùa hè năm 1961
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cơ quan bảo đảm bay đã phục vụ đắc lực cho Trung đoàn Không quân vận tải 919 chiến đấu và phục vụ chiến đấu lập nhiều chiến công trên các mặt trận: “Không đối không” ngày 15/2/1964, “Không đối biển” ngày 07/3/1966, “Không đối đất” ngày 12/01/1968…Tham gia trong cuộc tổng tiến công mùa xuân năm 1975, Cơ quản bảo đảm bay đã phục vụ chỉ huy, điều hành bay 590 lần chuyến bay, cơ động bộ đội, xe quân sự, pháo, đạn dược, lương thực, chuyển thương binh về tuyến sau… Những thành tích này đã góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Truyền thống vẻ vang và những bài học kinh nghiệm quý báu của 20 năm xây dựng và trưởng thành trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đã đặt nền móng vững chắc để xây dựng ngành Quản lý bay mà tiền thân là những bộ phận Thông tin, Điều phái, Khí tượng phát triển trong giai đoạn mới của cách mạng, giai đoạn đất nước thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Ban Biên tập