26/08/2024
Ngày 08/12/1994 - Mốc son không thể nào quên
Đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), ngày 7/12/1994, Hội đồng ICAO đã chính thức giao quyền điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) cho Việt Nam.
Kể từ 00h01 UTC - giờ quốc tế ngày 08/12/1994, Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện trách nhiệm điều hành FIR Hồ Chí Minh. Đây là kết quả đấu tranh kiên trì bền bỉ và khôn khéo của chúng ta trên bàn hội nghị cũng như sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người trong suốt một thời gian dài. Đó là sự kiện quan trọng, ghi dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành Hàng không nói chung và của công tác quản lý bay dân dụng nói riêng. Sự kiện này đã khẳng định đầy đủ năng lực, chủ quyền của Nhà nước ta trong việc quản lý vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Để tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, nhân viên Tổng công ty về ý nghĩa, giá trị của việc tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, tạo nên sự đồng thuận, tập hợp sức mạnh tập thể để góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, Ban biên tập xin gửi đến Quý độc giả các bài viết về quá trình đấu tranh giành lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh.
Đài Kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất xây dựng trước năm 1975
Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng 30/4/1975
Vùng thông báo bay (Flight Information Region - gọi tắt là FIR) là vùng trời có kích thước xác định mà Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (gọi tắt là ICAO) giao cho các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm trước Cộng đồng Hàng không dân dụng quốc tế về cung cấp các dịch vụ thông báo bay và báo động. Ranh giới FIR được xác định trên cơ sở thoả thuận giữa các quốc gia liên quan tại các Hội nghị không vận khu vực (RAN) và do Hội đồng ICAO phê chuẩn. Nguyên tắc phân định các FIR của ICAO là nhằm đảm bảo các hoạt động bay được điều hành an toàn, điều hoà và hiệu quả, thuần tuý xuất phát từ ý nghĩa kỹ thuật, không liên quan đến chủ quyền lãnh thổ. FIR có thể bao gồm vùng trời chủ quyền của mỗi quốc gia và các vùng trời không thuộc chủ quyền được phân công.
Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh từ trước năm 1975, gọi là FIR Sài Gòn được thiết lập tại Hội nghị không vận Trung Đông - Đông Nam tại Rô-ma năm 1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời trên công hải quốc tế ở biển Đông. Đến năm 1973, tại Hội nghị không vận khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất (RAN-1) họp tại Hô-nô-lu-lu, FIR Sài Gòn có điều chỉnh nhỏ mở rộng xuống phía Nam và duy trì cho đến ngày 28/4/1975 với diện tích khoảng 918.000km2.
Sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ, các Hiệp định Hàng không dân dụng quốc tế với các nước trên thế giới không còn tác dụng. Vào thời điểm tháng 4/1975, lo ngại trước sự bế tắc giao lưu hàng không trong khu vực khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), một kế hoạch ứng phó tạm thời đã được vạch ra.
Thiết lập các đường bay không lưu giải trợ trên biển Đông và phân chia FIR Sài Gòn (phần công hải trên biển Đông) thành ba vùng trách nhiệm tạm thời (gọi tắt là AOR) giao cho 03 trung tâm kiểm soát đường dài Băng Cốc, Xinh-ga-po và Hồng Công (lúc đó thuộc sự quản lý của Vương quốc Anh) điều hành. Phần còn lại của FIR Sài Gòn do Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh đảm nhiệm.
Kế hoạch ứng phó tạm thời đã chính thức được thực hiện từ 23h-15h GMT ngày 28/4/1975.
Trích Đề cương tuyên truyền Tiếp nhận quyền điều hành
phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh