26/08/2024
Những diễn biến cam go trong Hội nghị RAN - 3
Cuối năm 1992, trước thời điểm diễn ra Hội nghị RAN-3 khoảng 4 - 5 tháng, lãnh đạo Ngành HKDD Việt Nam đã báo cáo Bộ chính trị về tình hình chuẩn bị giành lại FIR Hồ Chí Minh trên biển Đông. Sau khi Cục trưởng Cục HKDD Việt Nam – Nguyễn Hồng Nhị báo cáo, Bộ chính trị quyết định: “Chúng ta hoàn toàn có thể đảm nhận việc quản lý và điều hành toàn bộ vùng trời trên biển Đông thuộc FIR Sài Gòn (cũ) nay là FIR Hồ Chí Minh”. Về trang thiết bị kỹ thuật, ta không thua kém FIR của các nước kế cận. Đội ngũ kiểm soát viên không lưu đã trải qua các lớp huấn luyện cơ bản và được cử đi thực tập ở nước ngoài. Chỉ có một điểm chúng ta cần phải khẩn trương triển khai là công tác ngoại giao, vận động các nước tham gia hội nghị RAN-3 ủng hộ Việt Nam nhận lại FIR Hồ Chí Minh.
Ngày 12/3/1993, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương đã chủ trì Hội nghị gồm lãnh đạo Cục Hàng không và các bộ, ngành Trung ương liên quan bàn về các giải pháp đấu tranh giành lại quyền quản lý điều hành vùng FIR Hồ Chí Minh ở Hội nghị RAN - 3: “Để khắng định với ICAO rằng Việt Nam có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật để quản lý điều hành FIR Hồ Chí Minh”.
Cục trưởng Nguyễn Hồng Nhị và Chủ tịch ICAO Assad Kotaite
tại Trụ sở Văn phòng ICAO tại Montreal, Canada năm 1992
Bộ chính trị cho phép ngành Hàng không cùng với Bộ ngoại giao cử các đoàn đi vận động một số nước. Bộ chính trị đã đề ra một số chủ trương lớn cho Đoàn Việt Nam dự hội nghị. Phái đoàn đã quán triệt nội dung chỉ đạo của Bộ chính trị, đặt ra một số tình huống để các thành viên chuẩn bị trước. Bên cạnh đó, Cục Hàng không cùng với Bộ Ngoại giao phối hợp cử các đoàn đi đến một số nước để vận động và thăm dò thái độ. Đoàn đi thăm trụ sở ICAO tại Montreal (Canada) do Cục trưởng Cục HKDD dẫn đầu. Các đồng chí Phó Cục trưởng được cử đi các nước Trung Quốc, Anh, Pháp, Úc, Philippines, Malaysia, Thái Lan.
Phái đoàn đi vận động tại Indonesia năm 1993
Phái đoàn đi vận động tại Singapore năm 1993
Trong tuần lễ thứ nhất, Hội nghị RAN - 3 diễn biến rất căng thẳng và phức tạp, tập trung chủ yếu vào vấn đề "Không phận trên vùng Biển Đông". Tại Uỷ ban không vận của Hội nghị, các nhân vật lãnh đạo của ICAO trung ương (Montreal), ICAO khu vực và trưởng đoàn của các nước đều có mặt dự ở Uỷ ban này. Sau những ngày thảo luận đã bộc lộ ra các xu hướng: "Duy trì kế hoạch tạm thời như hiện tại", "Hoạch định lại ranh giới FIR Hồ Chí Minh", "Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh". Trong đó, "Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh" là xu hướng quan trọng nhất. Nhưng chưa đến 10 đoàn, kể cả đoàn Việt Nam đồng ý với xu hướng này. Phần lớn các đoàn hoặc trung lập, hoặc chưa bộc lộ quan điểm của mình, từ đó có thể dự kiến số đông sẽ bỏ phiếu trắng. Nếu để tình hình này xảy ra thì vùng trách nhiệm tạm thời có thể tiếp tục kéo dài.
Tại Hội nghị RAN – 3, một thực tế được đặt ra là nếu Việt Nam không giành được quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh lần này thì phải chờ đợi thêm 10 năm nữa. Các nước đang quản lý vùng trách nhiệm tạm thời thì chưa sẵn sàng giao trả lại cho Việt Nam. Họ vẫn muốn duy trì kế hoạch tạm thời của ICAO vì biết chắc chắn rằng giờ đây Việt Nam có đầy đủ phương tiện và năng lực để quản lý, điều hành trên vùng trời biển Đông của FIR Hồ Chí Minh. Bởi vậy họ viện nhiều lý do để muốn trì hoãn kế hoạch tạm thời như chưa thu đủ vốn đầu tư, phải trang bị thêm phương tiện kỹ thuật.
Do chưa đi đến thống nhất, Hội nghị tạm thời gác vấn đề FIR Hồ Chí Minh lại chưa thảo luận tiếp. Đoàn Việt Nam nhân cơ hội đó huy động toàn đoàn tiến hành vận động sau hội trường. Đoàn Việt Nam tranh thủ gặp một số trưởng đoàn các nước, gặp Chủ tịch hội nghị để thuyết phục họ nên đứng về phía tán thành "Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh".
Bước sang tuần lễ thứ hai của Hội nghị, tại Ủy ban không vận, đoàn Việt Nam đã mạnh mẽ phản bác lại những lời lẽ phi lý của những ý kiến chống lại việc "Huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh". Số nước ủng hộ quan điểm của đoàn Việt Nam có tăng lên, nhưng vẫn chưa chiếm được đa số. Song gần cuối tuần thứ hai, Hội nghị đã thông qua được một kết luận có thuận lợi ít nhiều cho ta. Nhân đã có ít nhiều thuận lợi tại nhóm làm việc này, ta tranh thủ vận động và kiên quyết đòi huỷ bỏ kế hoạch tạm thời, tái hoạt động FIR Hồ Chí Minh. Qua tình hình diễn biến sau các phiên họp, ta dự kiến các tình huống và xác định: "Khó có khả năng đạt được một thắng lợi toàn vẹn giành lại FIR Hồ Chí Minh. Nếu ta cứ bám vào một phương án thì có nguy cơ phải tiếp tục chấp nhận kế hoạch tạm thời". Cả đoàn rất lo lắng về nguy cơ này và liên tục điện về nhà xin ý kiến.
Sang tuần thứ ba, tuần cuối của Hội nghị, đoàn Việt Nam tạm gác lại phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh. Mặc dù đại diện của những nước không muốn giải quyết FIR Hồ Chí Minh giao lại cho Việt Nam rất ngoan cố, nhưng đoàn Việt Nam vừa kiên trì, mềm dẻo thuyết phục, vừa giữ vững lập trường, nguyên tắc. Kết quả đã đạt được một thoả thuận đa số nước đồng ý chuyển giao phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh cho Việt Nam. Phần phía Bắc FIR Hồ Chí Minh cũng đã thông qua được một thoả thuận: Thành lập Nhóm làm việc đặc biệt gồm 13 nước và 2 tổ chức quốc tế tiếp tục làm việc sau Hội nghị RAN - 3 để sớm có kết luận trình cho Hội đồng ICAO họp vào cuối năm 1993.
Trích Đề cương tuyên truyền Tiếp nhận quyền điều hành
phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh