26/08/2024
Tích cực đầu tư trang thiết bị để giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh
Ngày 04/01/1988, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT về “Những nhiệm vụ cấp bách để giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh”. Chỉ thị nêu rõ trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Tổng cục HKDD Việt Nam về công tác chuẩn bị, tiếp nhận điều hành FIR Hồ Chí Minh.
Chấp hành sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, chỉ trong thời gian ngắn, Tổng cục HKDD Việt Nam đã trình Hội đồng Bộ trưởng chương trình giành lại quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh gồm một số nội dung trọng tâm. Về Mục tiêu cơ bản: Giành lại quyền quản lý và điều hành FIR Hồ Chí Minh vào năm 1990. Nếu chưa đạt được yêu cầu tiếp tục giữ nguyên hiện trạng, kéo dài một thời gian để Việt Nam tiếp tục chuẩn bị đủ điều kiện. Thông qua chương trình nâng cao năng lực bảo đảm các dịch vụ không lưu một cách vững chắc, bảo đảm an toàn cho mọi hoạt động bay trong nước và quốc tế. Về Mục tiêu cụ thể: Kiện toàn việc nâng cấp, hiện đại hoá Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng đủ điều kiện để tiếp nhận quản lý điều hành FIR Hồ Chí Minh, đồng thời chuẩn bị cho việc kiện toàn FIR Hà Nội.
Trong đó ưu tiên các nhiệm vụ: Nhanh chóng sửa chữa, khôi phục, đưa vào khai thác có hiệu quả hạ tầng cơ sở trang thiết bị kỹ thuật hiện có. Bổ sung trang thiết bị cần thiết theo yêu cầu quản lý FIR trên 06 lĩnh vực mà ICAO đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng, tập trung chủ yếu vào công tác quản lý không lưu, dẫn đường, thông tin liên lạc, giám sát hàng không, khí tượng và tìm kiếm cứu nạn. Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đủ số nhân viên có trình độ nghiệp vụ chuyên môn kỹ thuật và Anh ngữ đủ khả năng điều hành bay theo tiêu chuẩn của ICAO. Chấn chỉnh kiện toàn tổ chức ngành quản lý bay; Biên soạn và áp dụng các quy tắc khai thác không lưu, thông tin, khí tượng theo các tiêu chuẩn và khuyến cáo thực hành của ICAO, soạn thảo Dự luật HKDD Việt Nam trình Quốc hội ban hành.
Để thực hiện chương trình này, Tổng cục HKDD Việt Nam đã phối hợp thực hiện cùng với các cơ quan chức năng, các Bộ, ngành của Nhà nước. Đảng và Chính phủ đã quyết định tiếp tục đầu tư cho ngành Hàng không Việt Nam, cụ thể cho phép Tổng cục HKDD Việt Nam được sử dụng 03 năm tiền thu phí các chuyến bay quá cảnh để mua sắm thiết bị đầu tư cho các công trình FIR, xây dựng cơ bản, thông tin ra đa, tìm kiếm cứu nạn.
Đoàn công tác Tổng Cục HKDD Việt Nam sang thăm Cộng hòa Pháp,
khảo sát mua thiết bị cho công trình FIR Hồ Chí Minh
Ngay trong năm 1988, thành lập Ban Quản lý công trình khôi phục FIR Hồ Chí Minh trực thuộc Tổng cục HKDD Việt Nam. Ban Quản lý có nhiệm vụ triển khai và thực hiện đầu tư các hạng mục của dự án như: Các đài dẫn đường VOR/DME, ACC HCM.
Đến năm 1990, Tổng cục HKDD Việt Nam đã tổ chức thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng trong 6 lĩnh vực mà ICAO yêu cầu; đã trình Bộ Giao thông vận tải quyết định thành lập Công ty Quản lý bay Việt Nam thống nhất cung cấp các dịch vụ kiểm soát đường dài trên phạm vi cả nước; ban hành hệ thống các văn bản quản lý như quy tắc không lưu hàng không, điều lệ thông tin hàng không, điều lệ công tác khí tượng hàng không, điều lệ công tác tìm kiếm cứu nguy; tập trung đào tạo kiểm soát viên không lưu và xây dựng các cơ sở quản lý bay,…
Năm 1990, Bộ GTVT và Bưu điện đã có quyết định thành lập Công ty Quản lý bay Hàng không Việt Nam
Năm 1992, Tổng cục HKDD Việt Nam đã thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng, mang ý nghĩa quyết định, đặc biệt là đã kiện toàn, nâng cấp, hiện đại hoá 02 Trung tâm kiểm soát không lưu Đà Nẵng và Hà Nội. Khánh thành và đưa vào khai thác Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh trực tiếp cung cấp các dịch vụ điều hành bay trong FIR Hồ Chí Minh với các hệ thống trang thiết bị hiện đại tiêu chuẩn quốc tế. Trang bị và đưa vào khai thác ba đài dẫn đường VOR/DME Tân Sơn Nhất, Phan Thiết, Phù Cát. Hệ thống thông tin, liên lạc đã đầu tư nâng cấp với công nghệ hiện đại: liên lạc điểm đối điểm quốc tế qua đường truyền vệ tinh Intelsat, điểm đối điểm trong nước qua vệ tinh Palapa và cáp quang, liên lạc đất đối không bằng các trạm thông tin sóng cực ngắn; lắp đặt 02 mạng chuyển điện văn tự động (AMSS) tại Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội với thiết bị hiện đại được xây dựng năm 1992
Tại kỳ họp 29 của Đại hội đồng ICAO, Đoàn Việt Nam đã tuyên bố quan điểm của Chính phủ Việt Nam đề nghị ICAO trao lại quyền quản lý FIR Hồ Chí Minh. Chủ tịch ICAO tiến sĩ Assad Kotaite đánh giá Việt Nam đã tiến bộ đáng kể nhưng phải tuân thủ Kế hoạch Không vận khu vực đã được xác lập tại Hội nghị RAN-2. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cuối năm 1992, Cục HKDD Việt Nam đã làm tốt công tác chuẩn bị giành lại quyền điều hành FIR Hồ Chí Minh; tích cực đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, vận động các nước tham gia Hội nghị RAN-3 ủng hộ Việt Nam.
Trung tâm Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất khánh thành năm 1992
phục vụ cho việc quản lý điều hành Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh
Trước khi Hội nghị RAN-3 khai mạc, để khẳng định với ICAO và các nước tham gia Hội nghị RAN-3 rằng Việt Nam có đủ khả năng để tiếp nhận và điều hành FIR Hồ Chí Minh, ngày 12/3/1993 Đảng và Chính phủ đã đồng ý cho phép Cục HKDD Việt Nam đầu tư 05 trạm ra đa giám sát hàng không. Cục HKDD Việt Nam đã tổ chức đầu tư hệ thống ra đa cho FIR Hồ Chí Minh.
Trích Đề cương tuyên truyền Tiếp nhận quyền điều hành
phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh