Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR HCM) - Một phần tư thế kỷ ổn định và phát triển

thứ hai, 02/12/2019 10:42

Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (phần công hải quốc tế trên biển Đông) được Việt Nam giành lại quyền điều hành tại Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RAN-3) tại Băng Cốc - Thái Lan năm 1993. Nhưng phải 1 năm sau đó, năm 1994, tại Hội nghị Tiểu ban không vận Châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) gồm 10 nước họp tại thành phố Hồ Chí Minh khi tổng kiểm tra lần cuối đối với khả năng đảm nhận nhiệm vụ điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh như: hệ thống trang thiết bị, cơ sở điều hành bay, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo công tác điều hành bay hoàn toàn đáp ứng tiêu chuẩn của ICAO. Sau tổng kiểm tra, ông Moris E. Fridman - phụ trách không vận của ICAO khẳng định “FIR Hồ Chí Minh của các bạn đạt tiêu chuẩn loại một”. Ngành Quản lý bay Việt Nam chính thức điều hành phần phía Nam vùng thông báo bay Hồ Chí Minh kể từ 0ngày 8/12/1994.

Giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh là kết quả của cuộc đấu tranh trong 18 năm dài của ngành Quản lý bay chủ thể chính tham dự. Ngành Quản lý bay Việt Nam đã xóa bỏ được kế hoạch lâm thời của ICAO từ năm 1975, thừa nhận sự toàn vẹn ranh giới vùng thông báo bay Sài Gòn cũ. Sự kiện này được cộng đồng hàng không quốc tế khâm phục sự đầu tư của ngành không lưu Việt Nam nói riêng và sự tiến bộ của ngành Hàng không Việt Nam trong điều kiện hội nhập với không vận quốc tế.

Trước đó, FIR Hồ Chí Minh được ra đời tại Hội nghị liên khu vực Trung Đông - Đông Nam Á họp ở Roma từ ngày 7/1-3/2/1959, bao gồm cả vùng trời chủ quyền thuộc chủ quyền quốc gia và vùng trời trên công hải quốc tế ở biển Đông. Tại Hội nghị Không vận khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (RAN-1), vùng thông báo bay Sài Gòn có điều chỉnh nhỏ và mở rộng xuống phía Nam và duy trì cho đến ngày 28/4/1975. Vì sau 1975, ICAO lo ngại trước sự bế tắc giao lưu Hàng không trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên đã phân chia vùng thông báo bay (FIR) Sài Gòn (vùng công hải quốc tế trên biển Đông) thành các vùng trách nhiệm lâm thời (AOR) giao cho ba Trung tâm kiểm soát đường dài: Hồng Kông, Băng Cốc, Singapore quản lý. (Công ước năm 1982 về Luật Biển của Liên hợp quốc cho phép tất cả các quốc gia, dù có biển hay không có biển đều có quyền tự do Hàng hải và tự do Hàng không. Do đó, để bảo đảm giao lưu Hàng không quốc tế được thông suốt và an toàn, ICAO có quyền phân chia trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu và báo động cho các nước hữu quan đối với vùng trời trên vùng đặc quyền về kinh tế của quốc gia ven biển và trên biển).

Phần phía nam FIR Hồ Chí Minh là một vùng trời rộng lớn với nhiều tiềm năng kinh tế, trải dài với diện tích khoảng 918.000 km2,  gồm một nửa nước ta từ Quảng Trị cho đến mũi Cà Mau với chiều rộng ra biển trên 500km. Bao gồm từ vĩ tuyến 17 xuống tới 07 vĩ độ Bắc, chiều rộng từ biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia ra tới 114 độ kinh tuyến Đông, tức là bao gồm cả vùng trời miền nam Việt Nam và cả vùng trời rộng lớn thuộc biển Đông. Hiện nay, trong vùng thông báo bay này ngành Hàng không Việt Nam có 21 đường bay quốc tế và 21 đường quốc nội. Đặc biệt, FIR Hồ Chí Minh còn nằm trong giao điểm đường bay qua các nước trong khu vực với 20 đường bay như đường bay A1, A470, A901, B583, R214, R471, R468, R349, R203, G466, G467..v..v… Những đường bay thuộc FIR Hồ Chí Minh đi qua các điểm: Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Phù Cát, Côn Sơn, Đà Nẵng tới Băng Cốc, Philippin, Singapo, Hồng Kông…

Theo thống kê mới nhất của Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh, các hoạt động bay trong toàn bộ FIR Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày có gần 1000 chuyến bay cất hạ cánh (cao điểm có ngày lên đến 1.100 chuyến cất hạ cánh), gần 600 lượt chuyến bay quá cảnh và hơn 500 chuyến bay tới các điểm đến ở Trung Quốc chưa kể các chuyến bay từ nước này tới Việt Nam.

Th%E1%BB%A7%20t%C6%B0%E1%BB%9Bng%20Phan%20V%C4%83n%20Kh%E1%BA%A3i%20ph%C3%A1t%20bi%E1%BB%83u%20t%E1%BA%A1i%20l%E1%BB%85%20k%E1%BB%B7%20ni%E1%BB%87m%20v%C3%A0%20ti%E1%BA%BFp%20nh%E1%BA%ADn%20FIR%201994Ông Phan Văn Khải - Phó Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm Tổ chức ICAO 
và tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh

Kể từ khi tiếp nhận lại quyền điều hành phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh, Quản lý bay Việt Nam đã cung cấp các dịch vụ không lưu bảo đảm an toàn, điều hòa, hiệu quả cho hàng triệu chuyến bay qua vùng trời không phận biển Đông, đặc biệt đảm bảo an toàn cho các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, hiệu quả kinh tế đem lại cho đất nước từ việc cung cấp các dịch vụ thông báo bay qua vùng FIR Hồ Chí Minh tăng lên đáng kể, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động của Tổng công ty. Hàng năm, Tổng công ty luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh  cũng như nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Doanh thu nộp ngân sách nhà nước tăng bình quân từ 8%-10%, là doanh nghiệp có doanh thu nộp ngân sách nhà nước dẫn đầu ngành hàng không, ngành Giao thông vận tải và đứng trong số 100 doanh nghiệp đứng đầu toàn quốc.

Bên cạnh đó, công tác quản lý điều hành bay trong vùng FIR Hồ Chí Minh của Quản lý bay Việt Nam có ý nghĩa to lớn đối với an ninh quốc phòng, bảo vệ vùng trời trên biển Đông của Tổ quốc. Đặc biệt, trong thời gian qua các đường bay tại khu vực điểm nóng trên biển Đông đều được điều hành an toàn, hiệu quả. Ngành Quản lý bay đã phối hợp với Bộ Quốc phòng đảm bảo an toàn cho các chuyến bay làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, thực hiện thủ tục thông báo hàng không dân dụng quốc tế và các hoạt động có liên quan trên quần đảo này.

Năm 2013, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã đưa vào khai thác hệ thống Giám sát tự động phụ thuộc ADS-B tại đảo Trường Sa Lớn và Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu triển khai các hoạt động điều hành bay tại khu vực quần đảo Trường Sa. Công trình này đánh dấu sự có mặt lần đầu tiên của Hàng không dân dụng Việt Nam trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Cuối năm 2015, hai trạm liên lạc VHF thoại không - địa tầm xa, hệ thống truyền dẫn vệ tinh VSAT cũng được đưa vào khai thác đã góp phần hoàn thiện vững chắc tầm phủ sóng thông tin liên lạc thoại giữa người lái và Kiểm soát viên không lưu thông qua hệ thống VHF cho toàn bộ FIR Hồ Chí Minh, đặc biệt đối với vùng phía Đông và Đông Nam của phân khu 4, 5.

Như vậy, việc đưa vào khai thác các hệ thống trang thiết bị đảm bảo công tác điều hành bay tại khu vực quần đảo Trường Sa đã góp phần khẳng định và nâng cao năng lực giám sát và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn hàng không trên khu vực biển Đông đối với các tàu bay dân dụng hoạt động trên các đường bay song song trên biển Đông thuộc vùng trách nhiệm FIR Hồ Chí Minh. Đồng thời, đảm bảo hội nhập về tiêu chuẩn điều hành bay đối với các vùng thông báo bay các quốc gia lân cận, đem lại sự hài lòng cho các hãng hàng không và các nhà khai thác.

00Khánh thành Cụm Thông tin - Giám sát ADS- B/VHF/VSAT trên đảo Trường Sa Lớn

Để vun đắp và xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa đất liền với quân dân huyện đảo Trường Sa, ngày 29/4/2016 Tổng công ty đã trích quỹ phúc lợi hai trăm triệu đồng làm quà tặng cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện Đảo Trường Sa nhân dịp khánh thành công trình Trạm VHF Trường Sa Lớn và Song Tử Tây tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Tháng 12 này, Tổng công ty vinh dự điều hành chuyến bay thứ 900 nghìn hạ cánh tại Cảng HKQT Nội Bài. Đây là dấu mốc quan trọng ghi nhận sự trưởng thành và phát triển lớn mạnh của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Ngày nay, vùng FIR Hồ Chí Minh vẫn luôn nhộn nhịp, tấp nập với các chuyến bay đi đến an toàn dưới sự điều hành của các kiểm soát viên không lưu Việt Nam. Về chủ quyền đất nước, vùng FIR Hồ Chí Minh (vùng không phận quốc tế trên biển Đông) đầy “kiêu hãnh” của Việt Nam đã mở ra một không gian “sinh tồn” của lãnh thổ Việt Nam, là “phên dậu, bờ cõi” của quốc gia cả trên không, trên biển. Hai mươi nhăm năm qua, ngành không lưu Việt Nam làm chủ và kiểm soát an toàn ngày đêm trên vùng trời đó, ngăn ngừa từ xa các hoạt động đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, sát cánh cùng với quân dân cả nước giữ vững nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Kỷ niệm 25 năm ngày giành lại quyền điều hành vùng thông báo bay Hồ Chí Minh của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam. Với một đời người, 25 năm là tuổi của thanh xuân, của lao động, sáng tạo cống hiến không ngừng. Thành tích trong 25 năm qua là minh chứng cho sự tự hào, tinh thần làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, xứng đáng với niểm tin của ICAO và các yêu cầu của ngành Hàng không, góp phần to lớn nâng tầm Quản lý bay Việt Nam lên một tầm cao mới, hoàn thành nhiệm vụ kinh tế, chính trị cao cả mà Đảng và Nhà đã giao cho, đưa VATM trở thành thương hiệu doanh nghiệp uy tín trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đàm​ Ngọc Trinh 

Thông báo