Giới thiệu hệ thống trang thiết bị khí tượng sân bay

Từ ngày 01/01/2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã tiếp nhận dịch vụ Khí tượng từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Đi kèm với nó là các hệ thống trang thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế cung cấp số liệu 24/24h phục vụ việc dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết cho các hoạt động bay trên toàn bộ khu vực các Cảng hàng không dân dụng trên toàn quốc cũng như chia sẻ thông tin khí tượng cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng khác.

Tùy thuộc vào các yếu tố: mật độ hoạt động bay, thời tiết, vị trí địa lý… các Cảng hàng không được trang bị các thiết bị kỹ thuật khí tượng khác nhau.

1. Hệ thống quan trắc khí tượng: có 2 loại, đó là hệ thống quan trắc khí tượng tự động và hệ thống quan trắc khí tượng thủ công:

1.1. Hệ thống quan trắc khí tượng tự động:

Hiện tại, 21/22 Cảng hàng không dân dụng trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam đã được trang bị hệ thống quan trắc khí tượng tự động.

Thông thường, một Hệ thống quan trắc khí tượng tự động được bố trí lắp đặt như sau:

Phần out-door: Các thiết bị đo (sensor) của Hệ thống quan trắc khí tượng tự động được đặt trong các Cảng hàng không tại một số vị trí dọc theo các đường băng làm nhiệm vụ đo, thu thập các số liệu về các hiện tượng thời tiết, tầm nhìn… ở khu vực sân bay.

kt1
Các thiết bị phần out – door (ngoài trời) hệ thống quan trắc khí tượng tự động AVIMET
tại Cảng hàng không Nội Bài

Phần in-door: Tập hợp và xử lý các số liệu được cung cấp bởi phần thiết bị out-door để cho ra các thông tin về tình hình thời tiết trong khu vực Cảng hàng không, sau đó thông tin về tình hình thời tiết sẽ được đưa vào Hệ thống CSDL khí tượng, hệ thống ATIS, các đầu cuối hiển thị khai thác và đầu cuối AFTN với các mục đích được đề cập cụ thể trong phần giới thiệu các thiết bị tương ứng.

kt2
Các thiết bị phần in – door (trong nhà) hệ thống quan trắc khí tượng tự động AVIMET
tại Cảng hàng không Nội Bài.

1.2. Hệ thống quan trắc khí tượng thủ công: hệ thống quan trắc khí tượng dự phòng cho các hệ thống quan trắc tự động:

Hiện nay, tất cả các Cảng hàng không dân dụng trên toàn quốc đều đã được trang bị hệ thống quan trắc khí tượng thủ công.

Hệ thống quan trắc khí tượng thủ công được sử dụng khi hệ thống quan trắc khí tượng tự động ngừng hoạt động vì một lý do nào đó.

Các thiết bị hệ thống quan trắc thủ công được lắp đặt trong vườn khí tượng. Thành phần của một hệ thống quan trắc khí tượng thủ công cho ngành Hàng không thông thường gồm: Bộ đo Nhiệt ẩm biểu (đo Nhiệt độ khô, nhiệt độ ướt, nhiệt độ tối cao, nhiệt độ tối thấp), máy đo gió (bảng nặng, bảng nhẹ), thiết bị đo lượng mưa, đo khí áp.

kt3

Vườn khí tượng

2. Hệ thống thông báo trung tận tự động tại khu vực sân bay (ATIS)

Là công cụ giải trợ cho Kiểm soát viên không lưu nhất là trong điều kiện mật độ bay cao.

Các thông tin nhận được từ hệ thống quan trắc khí tượng tự động, các đầu cuối khí tượng và ATC  được xử lý bởi các máy chủ của hệ thống ATIS, sau đó được phát trên tần số VHF 127.0MHz cho các tầu bay trong vòng bán kính 100km tính từ Cảng hàng không.

Hiện nay, Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã được trang bị hệ thống ATIS.

kt4
Sơ đồ hệ thống thông báo trung tận tự động tại khu vực sân bay (ATIS)

3. Hệ thống thu nhận sản phẩm dự báo toàn cầu WAFS SADIS:

Hệ thống WAFS SADIS thu nhận dữ liệu từ Trung tâm khí tượng Met Office tại London thông qua giao thức FTP secure qua Internet.

Các dữ liệu trên được cung cấp tới Hệ thống CSDL khí tượng và các máy tính đầu cuối dự báo khí tượng.

kt5
Sơ đồ hệ thống WAFS SADIS

VATM vừa tiếp nhận 2 hệ thống WAFS SADIS lắp đặt tại Cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

4. Hệ thống radar thời tiết.

Radar thời tiết là công cụ phát hiện và hiển thị vùng mây nguy hiểm CB/TCU, vùng mưa dông và hướng di chuyển của các đám mây và các hiện tượng thời tiết khác trong tầm phủ của nó.

Hiện nay, VATM vừa tiếp nhận 02 trạm radar thời tiết lắp đặt tại khu vực Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, hoạt động trên băng tần C (5600-5800 MHz), cự ly hoạt động 400-480km. Góc quay của anten là 360­­0, góc nâng -2 đến 900. Công suất phát đỉnh ≥250KW. Dữ liệu của radar thời tiết sau khi được xử lý sẽ được cung cấp cho Hệ thống CSDL khí tượng và các vị trí đầu cuối khác.

kt6
Trạm radar thời tiết Tân Sơn Nhất

5. Hệ thống đo gió đứt:

Thiết bị này có khả năng mô tả, biểu thị gió theo thời gian thực tế tại các độ cao khác nhau, tự động đo gió ở các tầng đối lưu thấp, phát hiện gió đứt và phát tín hiệu cảnh báo khi gió đứt vượt quá ngưỡng quy định.

Hiện nay, VATM đang vừa tiếp nhận 1 hệ thống đo gió đứt đặt tại Đài dẫn đường K1, Cảng hàng không Nội Bài, có các đặc tính kỹ thuật: tầm hoạt động 75 – 25000 m trong khu vực cất hạ cánh, công suất 300W, dải tần 1238-1390MHz có thể đo tốc độ gió từ 1 – 100m/s…

kt7

Anten hệ thống đo gió đứt lắp đặt tại Đài K1 Cảng hàng không Nội Bài

6. Hệ thống thiết bị thu ảnh mây vệ tinh Himawari.

Hệ thống thu ảnh mây vệ tinh Himawari nhận ảnh mây từ vệ tinh Himawari, JCSAT của Nhật Bản qua đường truyền VSAT và internet, sau đó gửi tới Hệ thống CSDL khí tượng và người sử dụng.

VATM đã tiếp nhận 01 hệ thống thu ảnh mây vệ tinh Himawari lắp đặt tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

kt8
Sơ đồ nhận thông tin hình ảnh của hệ thống thu ảnh mây vệ tinh Himawari.

7. Hệ thống thu thập, xử lý số liệu khí tượng cơ bản GTS

Hệ thống thu thập, xử lý số liệu khí tượng cơ bản GTS có nhiệm vụ thu thập số liệu khí tượng từ  các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng và xử lý để tạo các bản đồ, giản đồ thời tiết để giám sát, cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong khu vực trách nhiệm.

VATM vừa tiếp nhận một hệ thống thu thập, xử lý số liệu khí tượng cơ bản GTS lắp đặt tại Cảng hàng không Đà Nẵng từ ACV.

kt9
Sơ đồ hệ thống thu thập và xử lý số liệu khí tượng cơ bản GTS

8. Hệ thống Cơ sở dữ liệu (CSDL) khí tượng

Hệ thống CSDL khí tượng thu thập số liệu khí tượng từ các nguồn: Hệ thống quan trắc khí tượng tự động, WAFS SADIS, radar thời tiết, cảnh báo gió đứt, ảnh mây vệ tinh Himawari và các bản tin từ khí tượng từ mạng AFTN. Dữ liệu từ hệ thống CSDL khí tượng có thể được đưa lên Web, đưa tới các máy tính khai thác của dự báo viên, quan trắc viên ở các Cảng hàng không, Đài KSKL... và các đơn vị được phép sử dụng khác.

Hệ thống CSDL khí tượng đã được thiết lập tại 3 Cảng hàng không lớn là: Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.

kt10
Sơ đồ hệ thống CSDL khí tượng

Với khả năng của các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật khí tượng hiện đại và nhân tố con người VATM sẵn sàng cung cấp dịch vụ khí tượng đạt tiêu chuẩn khuyến cáo thực hành của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và tổ chức Khí tượng thế giới (WMO).

Để tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo và chia sẻ các thông tin về thời tiết, VATM hiện đang có kế hoạch đầu tư và tiếp nhận thêm các trang thiết bị khí tượng mới như cho các cơ sở cung cấp dịch vụ khí tượng của Tổng công ty như hệ thống thu ảnh mây vệ tinh Himawari, radar thời tiết.

Thông báo